Médée PDF

Tác giả : Euripide
Tóm tắt nội dung:

Đó là năm –489, năm mà quân đội Athènes, dưới sự chỉ huy của người anh hùng Thémistôcle, đại thắng quân Ba-Tư tại Salamine; năm ấy ghi lại ba sự kiện liên quan tới ba nhà thơ bi kịch lớn nhất của Hy-Lạp ngày xưa: -ESCHYLE, bốn mươi lăm tuổi, có mặt trong hàng ngũ những đội quân thắng trận trở về.

Giới thiệu sách

  • Lượt đọc :796
  • Kích thước :1.05MB
  • Số trang :76
  • Đăng lúc :2 năm trước
  • Số lượt tải : 95
  • Số lượt xem : 2.054

Thông tin sách:

“Tôi thà xông trận ba lần với tấm khiên trên vai hơn là chỉ một lần sinh đẻ!” (Médée)
Thế kỷ thứ V trước công nguyên, có một năm rất đáng ghi nhớ đối với người Hy Lạp. Đó là năm –489, năm mà quân đội Athènes, dưới sự chỉ huy của người anh hùng Thémistôcle, đại thắng quân Ba-Tư tại Salamine; năm ấy ghi lại ba sự kiện liên quan tới ba nhà thơ bi kịch lớn nhất của Hy-Lạp ngày xưa:
-ESCHYLE, bốn mươi lăm tuổi, có mặt trong hàng ngũ những đội quân thắng trận trở về.
-SOPHOCLE mười lăm tuổi vừa tròn, điều khiển Đội Đồng Ca múa và hát khúc khải hoàn trong ngày hội lễ toàn Atthènes mừng đại thắng,
-Cậu bé EURIPIDE khóc tiếng khóc chào đời ngay tại nơi chiến thắng: Salamine.
Ba nhà thơ gặp nhau trong một ngày hội chiến thắng của Tổ quốc, sẽ còn gặp nhau trong những ngày hội thi thơ tài năng, để rồi vĩnh viễn kề vai sát cánh bên nhau, tên tuổi bên nhau, hình ảnh bên nhau, tác phẩm bên nhau trong vầng hào quang chói lọi nhân loại dành cho họ trên lịch sử thi đàn và sân khấu.

Euripide (480-406 tr.CN)
Tác giả xuất thân trong một gia đình quý tộc, học rộng tài cao, có giao thiệp với những nhà triết học danh tiếng đương thời như Socrate, Anaxagoras (vừa là bạn vừa là thầy của Euripide va Périclès), hoặc Protagoras nhà ngụy biện nổi danh: ông có chịu ảnh hưởng của họ ít nhiều nhưng không theo trường phái ai cả.

Tác phẩm đầu tiên của Euripide được biểu diễn những năm 455 trước công nguyên, một năm sau khi Eschyle mất. Từ đó cho đến lúc qua đời, ông đã sáng tác 92 vở, nhưng trong cuộc đời thì phần lớn là thất bại, chỉ trúng giải nhất được 4 hoặc 5 năm. Bi kịch của ông có mặt không giống với bi kịch của Eschyle và Sophocle; có lẽ vì thế mà công chúng chưa quen thưởng thức, chưa đánh giá cao chăng?
Nửa không vui vì gặp nhiều thất bại trong nghệ thuật, nửa buồn vì cuộc sống riêng tư chắc có những éo le, ông đã rời Athènes sang xứ Magnesie, tới ở cung vua Macédoine là Archélaos vào năm 480 trước công nguyên và hai năm sau thì qua đời tại kinh thành Pella.
Cứ cái tên mà người ta khoác cho ông – “kẻ ghét đàn bà” – ta cũng có thể đoán được Euripide chắc chắn nhiều lần đau khổ trong tình yêu, tới một lúc nào đó, đối với phụ nữ ông đâm ra mất lòng tin tưởng. Câu nói chua chát ông đặt vào miệng Mêdée có thể là một bằng chứng về sự việc này: “thiên nhiên đã tạo ra đàn bà chúng ta làm điều thiện thì hoàn toàn bất lực mà làm điều ác thì chúng ta là những người thợ lành nghề”. Nửa do bản tính con người, nửa do hoàn cảnh tác động, tính tình ông luôn sầu bi cau có, thích sự yên tĩnh cô đơn. Điều rất đáng chú ý là trọn cuộc đời ông không hề tham gia và nhận một chức vụ nào dù nhỏ trong bộ máy Nhà nước, không có chân trong Hội đồng năm trăm như Socrate, không làm tướng cầm quân như Sophocle đã từng làm. Thái độ sống của một nhà thơ uyên thâm, thức giả, phản ánh một tình trạng xã hội vừa rất phồn vinh nhưng đang suy sụp dần về lòng tin do cuộc chiến tranh Péloponèse hao tiền tốn của kéo dài suốt ngót ba mươi năm để rồi kết thúc bằng sự thật của Athènes.
Đọc tác phẩm “Những người Acharne” của Aristophane (425 trước công nguyên), ta có thể thấy được nỗi khổ của người dân lao động bao gồm cả nô lệ, nông dân, thợ thủ công, sự phản ứng của nhiều tầng lớp nhân dân đối với chính sách hiếu chiến của nhóm thiểu số cầm quyền.
Sau khi ông mất, phần vì những câu chuyện thù oán, ganh tị đã tiêu tan, phần vì nhận thức của công chúng đã chuyển biến theo chiều tiến bộ, người ta bắt đầu hiểu quan điểm triết lý về nghệ thuật của nhà thơ, người ta trở lại tôn sùng nhà thơ, hơn cả Eschyle và Sophocle. Euripide trở thành “lãnh tụ của một trường phái”. Người ta học tập bắt chước Euripide cả đến những phần nhược điểm của ông.
Euripide chỉ kém Sophocle có mười lăm tuổi. Vậy mà ông đại diện cho một xu hướng tư tưởng đã có nhiều khác biệt với tư tưởng của Sophocle. Tuy không là đồ đệ một phái triết học nào, ông cũng như nhiều người đương thời đã có một thái độ hoài nghi, chế diễu đối với thứ tôn giáo quá mộc mạc của cha ông. Ông không ưa những thần thoại hoang đường và tập quán buộc các nhà thơ phải sử dụng làm đề tài sáng tác. Thần linh trước con mắt ông chỉ là những câu chuyện phiếm, bịa đặt, những cái tên suông không mang một nội dung gì. Tuy nhiên, cái mà ông chống lại là những mê tín dị đoan thô kệch của quần chúng, chứ không phản đối lòng tin ở Thượng đế cao siêu. Trái lại ông là một nhà tư tưởng lớn suy nghĩ sâu xa về những vấn đề quan trọng của nhân sinh và đã viết một số vở kịch luận đề trong đó tiếng nói của ông trực tiếp vang lên quá rõ.
Số vở còn lại của một mình Euripide nhiều hơn tổng số còn lại của cả Sophocle và Eschyle. Những vở đó có thể sắp xếp lại theo tính chất và chủ đề của nó như sau:
1- Hai tác phẩm có giá trị lớn và rất xúc động, ALKESTIS (Alceste) và MÉDÉE rất rùng rợn, không thuộc nhóm chủ đề riêng nào.
2- Năm tác phẩm lấy đề tài ở cuộc chiến tranh thành Troies và Những ngày về: NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ THÀNH TROIE; HÉCUBE. Kết cấu không được chặt chẽ nhưng có những lớp xúc động và hay. ANDROMAQUE, rời rạc. HÉLÈNE, bi hài kịch hoang đường. CYCLOPE, kịch châm biếm satire.
3- Năm tác phẩm lấy đề tài ở truyền thuyết Agamemnon: ÉLECTRA; ORESTE, không hay lắm; IPHIGÉNIE Ở AULIS, kiệt tác cùng với MÉDÉE; IPHIGÉNIE Ở TAURIDE cũng không kém tác phẩm trước bao nhiêu.
4- Ba tác phẩm về truyền thuyết thành Thèbes: NHỮNG NÀNG BACCHANTES, bi kịch tôn giáo, một trong những vở hay; NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ PHÊNICIE, không đều và lúng túng; HÉRACLÈS GIẬN DỮ, một trong những vở kém nhất.
Bốn tác phẩm lấy đề tài ở truyền thuyết Attique: NHỮNG NGƯỜI CON GÁI CỦA HÊRACLÈS; NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ CẦU XIN. Hai vở này mang tính chất hùng biện lạnh lùng kém hấp dẫn. HIPPOLYTE, một trong những kiệt tác của Euripide; ION, không hay, nhiều chất hoang đường, nhưng duyên dáng.
Xét về hình thức cũng như nội dung, bi kịch Euripide đã có những điểm khác biệt với bi kịch Eschyle và Sophocle, khác biệt chứ không phải là tiến bộ, bởi vì cả về hình thức cũng như nội dung Sophocle đã đạt mức độ hoàn chỉnh rồi. Euripide dường như không coi trọng lắm phần mở đầu và phần kết thúc trong tác phẩm của ông. Ông hay mở màn bằng lời độc thoại của một nhân vật giới thiệu tình huống và sự việc và kết thúc một cách dễ dãi bằng cái thủ thuật người ta gọi là: “deus ex machina” (tiếng la tinh, có nghĩa là “thần linh xuất hiện từ một cái máy”), đột ngột và thiếu chuẩn bị, không do quá trình phát triển của xung đột mà dẫn tới hoàn toàn ngẫu nhiên. Ví dụ trong vở Iphigénie ở Aulis (là một vở rất hay), khi Iphigénie sắp sửa bị hi sinh thì nữ thần Artémis biến nàng đi đâu mất, chỉ để lại dưới bàn thờ một con dê cái mới chọc tiết đầy máu me. Trong Iphigénie ở Tauride, khi hai chị em Iphigénie và Oreste đánh cắp được bức tượng Artémis đang chạy trốn, vua Thoas đang đuổi theo, thì nữ thần Athéna xuất hiện, ra lệnh cho Thoas thôi đừng đuổi theo nữa.
Vai trò Đội đồng ca trong bi kịch Euripide đại thể vẫn như ở bi kịch Sophocle, không trực tiếp liên quan đến hành động kịch, nhưng vẫn là một chứng nhân tích cực theo dõi, bình luận sự việc một cách nhiệt tình chứ không hề bàng quan. Euripide cũng thường sử dụng như Eschyle, những đoạn độc thoại trữ tình hát giống như đoạn độc thoại của Prométhée sau khi Quyền Lực, Bạo Lực và Héphaistos đã xiềng chàng vào mỏm đá rồi bỏ đi. Đoạn Médée khóc con thật là tuyệt diệu.
Thực ra, Euripide không cách tân gì phần hình thức cả nhưng về nội dung, ông đã có sự chuyển hướng đáng chú ý. Như Aristote đã nói, Euripide miêu tả con người như nó đang tồn tại. Trong khi kịch Eschyle bay bổng rất cao, kịch Sophocle hạ cánh xuống với con người, vẫn phản ánh về con người những mặt cao thượng của nó, thì kịch Euripide phản ánh những bản chất thông thường nhất của nó, những dục vọng cá nhân: ông là bậc thầy về phân tích tâm lý con người.
Nhân vật Euripide không có nghị lực như nhân vật Sophocle, nghị lực chống lại dục vọng cá nhân để vươn lên hoàn thành những trách nhiệm cao cả, mà chỉ có dục vọng đi theo đến cùng những dục vọng phức tạp của bản năng; yêu thương, giận ghét, căm thù, ghen tuông, đau khổ... và nhất là tình yêu. Chính vì vậy mà những vai đàn bà trong bi kịch của ông chiếm vị trí trung tâm. Chỉ đọc qua nhan đề 17 vở còn lại thì đã có 12 vở mang tên nhân vật đàn bà, chỉ có năm vở mang tên nhân vật đàn ông. Nhân vật nữ của Euripide có tính cách đa đạng và phong phú, đủ thứ sắc thái tình cảm: yêu đắm đuối như Phèdre trong Hippolyte, tự nguyện chết thay cho chồng như Alkestis, ghen tuông dữ dội đi đến tội ác như Médée thương tiếc cuộc đời mà vẫn chấp nhận bình thản hi sinh mình vì đồng bào như Iphigénie, Polyxène, Macarie, nặng tình mẫu tử như Hécube, Andromaque. Nhân vật đàn ông có một số nhu nhược thiếu bản lĩnh hoặc ích kỷ đê hèn như Jason trong vở Médée. Một số như Thésée trong Những người đàn bà cầu xin, Iolaios trong Những con gái của Hêraclès, anh nông dân trong vở Éléctra chiếm được tình cảm người xem vì có tinh thần dân chủ rộng rãi, trung thực và biết trọng danh dự, yêu lao động và đánh giá đúng mức con người. Nhất là Hippolyte, người ta yêu mến chàng vì có tính cách vô tư, cao thượng và hiếu thảo. Còn các thần linh thì mang rặt những tính xấu, bị khán giả và cả nhân vật rủa nguyền.
Người ta có thể có ý nghĩ rằng Euripide không như Sophocle khắc họa những mặt tốt trong con người nhằm tuyên truyền bảo vệ cái đạo lý làm người tốt đẹp, mà bộc lộ những dục vọng thấp kém của con người, với những hậu quả gớm ghê của nó để biết mà ngăn chặn như một lời răn đe bằng thực tế phản diện: hãy cảnh giác! Nguồn gốc mọi tương lai ở chính những dục vọng chính bản thân mình. Bức tranh dục vọng hầu như toàn diện đó của nhân vật thuộc tầng lớp vua chúa, ngoài ý nghĩa răn đe đối với mọi người, còn là sự bóc trần bản chất bản chất xấu xa của các tầng lớp quý tộc thống trị, một bản cáo trạng đối với xã hội dựa trên quyền lực, đầy rẫy những vô lý và bất công. Nó còn là một sự đòi hỏi quyền bình đẳng không những vấn đề hôn nhân – gia đình mà cả những lĩnh vực hoạt động khác cho người phụ nữ. Những câu Médée nói với Đội đồng ca, với Créon, với Jason không cho phép nghi ngờ gì nữa về tư tưởng phản kháng và đấu tranh mãnh liệt đầy ý nghĩa nhân văn mới mẻ và tiến bộ của Euripide.
Con người do những kiến thức uyên thâm, am hiểu lòng đồng loại và giàu kinh nghiệm sống, đã có những câu định nghĩa bất tử: “tình yêu đó là sự ngọt ngào lớn nhất, niềm đau khổ lớn nhất” ấy, trọn đời không nhận một chức trách gì trong xã hội, có tới hội nghị nhân dân chăng nữa cũng chỉ vì tò mò hay đến để quan sát và không quý yêu gì bọn mỵ dân lắm mồm. Con người ưa cô độc, khó tính, cáu gắt có lẽ vì nếm nhiều thất bại trên con đường sự nghiệp văn chương nhiều thất vọng cay đắng trong cuộc sống riêng tư và tình cảm ấy đã để lại cho đời sau một loạt những tác phẩm rất hiện thực, gần gũi với mọi người, với những lời lên án gay gắt, những câu trữ tình “có hương vị mật ong” và “âm thanh tiếng hát Sirène” như nhà phê bình Alexamdre xứ Étéolie ở thế kỷ thứ III đã nói, những đoạn phân tích tâm lý sâu sắc lạ kỳ, đặc biệt rất nhiều những hình tượng phụ nữ sáng chói yêu thương, ngây thơ trong trắng. Đó là những sáng tạo của một tâm hồn mơ mộng mà bất chấp những gió mưa trên chặng đường đời, vẫn giữ được sự trong trẻo của mình để khắc họa nên những nhân vật đàn bà chung thủy, hi sinh, đáng mến, đáng yêu mà cuộc đời đã khước từ ông trong thực tế.
Chỉ với 17 kịch bản còn lại, Euripide đã đề cập tới bao nhiêu vấn đề và vấn đề nào nhà thơ cũng phát biểu rõ ràng bằng hình tượng và có khi bằng cả lời nói trực tiếp, không che giấu những quan điểm minh bạch của mình.

Các nhà sách ở TPHCM

Nhà sách online hiện đại và kho sách ebook online tiện lợi, Website là nơi giúp bạn có những cuốn sách đúng với sở thích và cập nhật những đầu sách hay như: Sách Giáo Khoa · ‎Sách Trong Nước · ‎Sách Thiếu nhi · ‎Sách Tham Khảo

  • 1.Nhà sách Phương Nam
  • 2.Nhà sách Cá Chép
  • 3.Nhà sách Artbook
  • 4.Nhà sách Kim Đồng
  • 5.Nhà sách E.Book
  • 6.Hiệu sách Nhã Nam
  • 7.Nhà sách Alpha Books
  • 8.Nhà sách Fahasa
  • 9.Nhà sách Hải An
  • 10.Nhà sách Hà Nội
  • 11.Đường sách Nguyễn Văn Bình
  • 12.Nhà sách Tổng Hợp
  • 13.Đường sách cũ Trần Nhân Tông
  • 14.Nhà sách TriBooks
  • 15.Nhà sách Sahabook