Trang chủ

Khóc thầm PDF

Chương XIII. Thu Hà ân hận (hết)

Trời vừa mới hừng sáng thì Thu Hà đã rước cô thông Tiền lên tới. Có ai kêu không biết mà Hương giáo Phiến cũng ra tới một lượt.

Cô thông Tiền ôm Vĩnh Thái, bà Hương giáo Phiến ôm thị Sen, hai bà khóc kể nghe rất thảm thiết, Hương hào Ðiều cũng khóc, mà Thu Hà cũng khóc. Tuy cả bốn đều khóc, nhưng mà mỗi người buồn rầu đau đớn khác nhau, lại cái án mạng nầy nó can hệ đến danh dự của mỗi người, nên khóc than thì khóc, mà không có một lời nào oán trách Hương hào Ðiều hết.

Hương quản lên tòa báo cho quan Biện lý hay. Quan Biện lý dắt quan thầy thuốc xuống khám xét tử thi, hỏi sơ Hương hào Ðiều với thầy Hội đồng Chánh, lấy cây tầm vông làm đồ tang vật, bắt Hương hào Ðiều dắt về và cho phép chôn thây của Vĩnh Thái và thị Sen, Hương hào Ðiều bị còng đem lên xe, anh ta và khóc và gởi thằng Ðặng lại cho thầy Hội đồng, làm cho làng xóm ai thấy cũng đều ứa nước mắt, duy có cô thông Tiền với bà giáo Phiến ưng bụng lắm mà thôi.

Thầy Hội đồng đứng cưới thị Sen cho Hương hào Ðiều mà thầy cũng đứng gả con gái thầy cho Vĩnh Thái nữa, bởi vậy thầy lãnh lo chôn cất luôn hai cái tử thi. Vì chết một cách rất ghê gớm, mà lại phạm đến danh dự nữa, nên cô thông Tiền với bà giáo Phiến xin làm sơ sài mà chôn phứt cho rồi. Thầy Hội đồng nghe lời nên không dám để lâu. Quan Biện lý cho phép bữa trước thì sáng bữa sau chôn liền, chôn hai cái mả chung trong một đám ruộng. Vợ chồng Bá Hỉ với Hương chủ Lung hay tin, đều có lên thăm và ở luôn mà đưa đám ma. Tá điền tá thổ cũng đều tựu đến đủ mặt hết thảy, song ở trong nhà thì họ làm bộ buồn, còn hễ bước ra ngoài mà hai người gặp nhau thì họ xầm xì mà cười.

Hạ khoán xong rồi, dắt nhau trở về Thu Hà mặc đồ tang đi với vợ Bá Hỉ thình lình cô nghe sau lưng có tiếng nói:

- Vậy, cho yên phận cô Hai, kẻo cổ buồn hoài, tội nghiệp quá!

Cô day lại thì thấy thằng Mau đương nói chuyện với thằng Tùng. Hai đứa bị cô ngó, chúng nó sợ, nên nín khe, rồi sụt lại sau, không dám đi gần nữa.

Ðến trưa cô thông Tiền theo xe Bá Hỉ mà về. Khi cô từ biệt, cô ôm Thu Hà mà khóc và nói rằng:

- Con của má nó ngu lắm. Vợ như vầy mà nó làm chuyện như vậy, hi hi, hu hu...

Cô nói không được nữa, cứ lấy khăn đậy mặt mà lên xe.

Khách về hết, duy còn có một mình ông Hương chủ Lung ở lại mà thôi. Tối lại thầy Hội đồng Chánh nằm gác tay qua trán, bộ buồn hiu. Ông Hương chủ Lung bèn nói rằng:

- Cái buồn nầy là tại nơi mầy. Hồi đó tao đã nói thằng đó tao coi bộ tướng không được, mầy cãi tao, mầy nói nó giỏi, nó có chí. Hứ, chí gì vậy.

Thầy Hội đồng thở dài và đáp rằng:

- Kén rể thì kén như vậy chớ kén làm sao nữa. Tại nhà tôi vô phước nên khiến gặp việc không may, biết làm sao bây giờ?

Thu Hà nghe cha với ông đương bàn việc nhà, cô bèn đứng ra trước mặt cha, rồi khóc tấm tức tấm tửi mà nói rằng:

- Con là đứa có tội lắm. Chồng của con chết đó là tại con, vợ của anh Hương hào Ðiều chết cũng tại con, mà anh Hương hào Ðiều bây giờ ở tù cũng tại con, xét lại thiệt con độc ác lắm. Con phải chết thì con mới khỏi ăn năn.

Thầy Hội đồng lồm cồm ngồi dậy ngó con mà hỏi rằng:

- Con nói cái gì vậy?

- Thiệt, tại con nên mới gây ra cái họa lớn ngày nay đó.

- Tại sao vậy, con nói cho ba nghe thử coi.

- Hôm trước anh Hương hào Ðiều hay vợ ảnh lấy thầy Hai, ảnh lên nói với con đặng dắt vợ con ảnh đi xứ khác làm ăn. Con cản, con không cho đi, con biểu ảnh bỏ vợ ảnh, ảnh sợ không bằng cớ, ảnh nói bỏ vợ ảnh không được. Con mới bày chuyện xúi ảnh rình bắt làm cho vơ lở đặng cho có đủ tang chứng mà bỏ chỉ. Ba coi có phải là tại con, nên mới sanh sự hay không? Nếu con không cản, con để cho ảnh dắt vợ con ảnh đi, thì không có chuyện gì hết.

- Con xúi nó bắt, mà con có biểu nó phải đập chết bọn dâm bôn hay không?

- Thưa, không!

- Nếu con không biểu nó giết người ta, thì con có lỗi gì đâu mà ăn năn?

- Anh Hương hào Ðiều là người không có học thức. Ảnh lại thương vợ ảnh lắm nữa. Hễ ảnh bắt được, tự nhiên ảnh không biết dằn lòng. Con xúi ảnh bắt ấy là con đưa đao cho anh chém người ta. Ðã biết theo luật pháp thì con không có tội, nhưng mà lấy theo lương tâm thì cái tội của con nặng lắm. Vì vậy nên hai bữa rày con ăn năn quá, nếu con không chết thì con nhớ cái tội ác đó hoài, không thế nào con an tâm được.

- Hôm trước thằng Hương hào Ðiều nó hay, nó lên nói với con, sao con không nói lại cho ba biết?

- Con thấy ba vì con mà ba buồn đã nhiều rồi, nên con giấu không muốn làm cho ba buồn thêm nữa.

Nãy giờ ông Hương chủ Lung ngồi lặng thinh mà nghe, chừng Thu Hà nói tới đó, ông mới cất tiếng mà cãi rằng:

- Cháu có cái gì mà ăn năn đâu. Cháu cũng không nên buồn. Thằng chồng của cháu nó làm bậy, nó lấy vợ người ta, thì người ta giết nó đáng lắm. Nó tử tế gì đó mà tiếc.

Thu Hà chậm rãi đáp rằng:

- Dầu không tử tế, cũng là chồng. Làm vợ mà xúi người ta giết chồng mình, tức nhiên cũng như mình giết, ông biểu đừng ăn năn, cha chả! Không ăn năn sao được.

- Cháu đừng nói bậy. Cháu phải nghe lời ông, cháu bỏ đi, đừng có thèm nhớ tới chuyện đó nữa.

- Cháu chết họa may cháu mới hết nhớ sự ấy.

- Ê! Chuyện gì mà chết nữa! Công ăn học thuở nay, bây giờ vì thằng chồng khốn nạn như vậy mà chết theo nó hay sao? Cháu coi thằng chồng đó trọng hơn cha cháu hả?

Thu Hà nghe ông chú quở trách thì cô châu mày rồi thủng thẳng trở vô buồng.

Mình buồn cũng phải, mà ông chú quở cũng phải. Mình làm vợ, tuy không phải mình cầm dao giết chồng, song mình xúi người khác, tức nhiên cũng như mình giết, thế thì dầu mình có sống, mình cũng hổ với lương tâm trọn đời. Mà bây giờ mình chết nghĩ cũng khó lắm. Cha mình sanh ra có hai chị em mình mà thôi. Cái hy vọng, cái thương yêu của cha mẹ thuở nay dồn về hai chị em mình. Nay em mình đi du học, mình ở nhà mà phụng sự cha. Nếu mình chết đi, bỏ cái buồn rầu lại cho cha thì mình lỗi cũng nhiều lắm.

Có hai vấn đề đó, một là ăn năn về sự xúi Hương hào Ðiều rình bắt dâm bôn, hai là lo sợ về sự tự vận phải mang lỗi với cha, mà nó làm cho Thu Hà tự bàng hoàng đêm ngày, ăn ngủ không được, không biết phải giải quyết thế nào cho hạp với lương tâm mà cũng cho trọn niềm phụ tử.

Ban ngày cô mắc dạy sắp con tá điền mà còn mắc săn sóc giùm thằng Ðặng nữa, nên cô khuây lảng được chút đỉnh. Thảm thay! Trong lúc ban đêm cô nằm quạnh quẽ một mình trong phòng, cô nghe tiếng dế, cô nhớ tới việc cô hại chồng, cô nghĩ tới tiền trình u ám, sống thì phải chịu ảo não, mà lại không có mục đích gì, chết thì yên thân ngặt mang lỗi với trên trước bởi vậy cô bối rối trong trí, lạnh ngắt trong lòng, cứ nằm gác tay lên trán mà thở ra hoài. Một ngày cô ốm thêm một chút, làm cho thầy Hội đồng thấy vậy thầy lo sợ, nên thầy kiếm đủ lời mà khuyên giải.

Ngày lụn tháng qua, Vĩnh Thái mới chết đó mà đã tới kỳ làm tuần bá nhựt. Tòa Ðại hình đòi thầy Hội đồng Chánh lên làm chứng vụ Hương hào Ðiều sát nhơn. Thầy đi liền, thầy lại dắt Thu Hà đi theo. Hương hào Ðiều đứng giữa tòa mà khai rõ mọi việc. Thu Hà nghe người ta lập đi lập lại cái tên của chồng mình không biết mấy lần, mà ngừời ta nhắc chuyện xấu chớ không phải chuyện tốt, bởi vậy cô lấy làm hổ thẹn, cô lén bỏ đi ra ngoài xa, không muốn ở đó mà nghe nữa. Tòa xử rồi, thầy Hội đồng Chánh ra kiếm con mà nói rằng:

- Tòa nghĩ vì Hương hào Ðiều bởi sự ghen mà phải tội sát nhơn, lại nó ngộ sát chớ không phải cố sát nên kêu án nó có một năm tù.

Thu Hà thở ra và đáp rằng:

- Vậy cũng là may, chớ nếu Tòa kêu án ảnh nặng thì con càng ăn năn nhiều hơn nữa.

Khi về tới nhà, thầy Hội đồng mới nói với con rằng:

- Thôi việc đã yên rồi hết, con đừng có buồn chi nữa. Con Sen là đàn bà hư, nó chết đáng lắm. Vĩnh Thái xảo trá mà lại gian dâm, trời khiến nó phải chết một cách khốn nạn như vậy thì cũng phải. Còn thằng Ðiều tuy nó giết tới hai mạng, song hai mạng ấy chết đáng lắm, nó làm như vậy mà răn thiên hạ, nên tòa kêu án nó nhẹ nghĩ cũng phải. Con đừng có buồn rầu nữa. Con phải để trí mà lo giúp ích cho đời. Không lẽ ba nói chồng con chết đó là phước của con, nhưng nếu nói thiệt mà nghe, thằng đó nó sống thì nó hại xã hội, chớ không ích chi đâu mà tiếc. Con nghĩ thử coi ba nói phải hay là quấy.

Thu Hà ngó cha trân trân một hồi rồi cô khóc và đáp rằng:

- Lời ba nói đó thiệt là chơn chánh. Nhưng mà con đã lỡ làm vợ người đó rồi...

- Phải, ba hiểu lắm. Phận con là gái, trăm năm một chồng, may gặp chỗ tốt thì nhờ, rủi gặp chỗ xấu phải chịu. Chớ chi chồng của con còn sống mà ba xúi con bỏ nó thì là ba quấy; nay nó chết rồi, mà nó chết một cách nhơ nhuốc quá thế thì ba biểu con quên nó, ba không có lỗi chi hết, mà con nghe lời ba con quên cho rảnh, con cũng không có lỗi gì.

- Tại con nên chồng con mới chết.

- Mà cũng tại chồng con nên con mới buồn rầu, phải hôn? Ba gả con lấy chồng, ba tưởng chồng của con biết thương người, biết giúp đời, té ra nó đã không thương không giúp ai mà nó lại còn báo thiên hạ nữa.

Thu Hà ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi cô nói rằng:

- Ý con cũng như ý ba vậy. Năm ngoái con lấy chồng là vì con tưởng kết bạn với một người có tâm chí đặng chung lo giúp ích cho đời. Té ra con lầm, nên hơn một năm nay con buồn hết sức, song con buồn thì con cắn răng mà chịu chớ biết nói với ai... Con nhớ lời em của con nó nói thiệt là phải lắm...

Thầy Hội đồng liền hời rằng:

- Nó nói giống gì?

- Bữa nó xuống tàu, nó thấy con buồn, nó mới nới rằng: Chớ chi con không lấy chồng, chị em dắt nhau qua hết bên Tây mà học đặng ngày sau trở về chung lo khai hóa nước nhà, thì tốt không biết chừng nào.

- Phải, nếu ba dè duyên con lỡ dở như vầy thì hồi đó ba gả con lấy chồng làm chi, để cho con đi du học còn có ích hơn nhiều. Em của con nó nói phải lắm chớ.

- Bây giờ con muốn ba cho con đi.

Thầy Hội đồng ngồi lặng thinh mà suy nghĩ. Thu Hà nói tiếp:

- Cái mục đích về sự sống của con là giúp ích cho đời. Vì phận con là gái, không biết làm sao mà đạt đến cái mục đích ấy được, nên con mới tính lấy chồng. Tưởng là có chồng đặng giúp với chồng mà làm việc công ích, té ra thiên hạ có miệng mà không có lòng. Mượn tiếng công ích đặng kiếm cơm ăn, chớ kỳ thiệt là họ công hại. Bây giờ con không tin ai nữa hết, con chỉ tin bụng con mà thôi. Con xin ba cho con du học ít năm, con mở rộng kiến thức, con luyện tập tài nghệ. Con nguyện chừng con học thành công rồi con trở về, con sẽ làm đàn ông mà lo việc khai hóa. Ðược như vậy thì sự sống của con mới có mục đích, họa may con mới hết buồn rầu được.

Thầy Hội đồng gật đầu mà nói chậm rãi rằng:

- Con muốn như vậy cũng được.

Thu Hà đi Tây. Cô học hai năm lấy được bằng tú tài. Hiện nay cô đương ở trường Luật khoa đại học tại Paris; học sinh thảy đều kiêng nể tài học của cô, mà lại cũng kính trọng tâm chí của cô nữa.

An Truờng, Septembre 1929

Bình luận

Hóa học
Văn học
Công nghệ thông tin